+84 28 8889 9938
info@trivietco.vn

Phát biểu của Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Thanh tại HNTK 2018 & triển khai nhiệm vụ 2019

Năm 2018 nền kinh tế thế giới đã trải qua một năm biến động mạnh với tâm điểm là cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Bất ổn từ hai nền kinh tế lớn này đã kéo theo ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính và hoạt động kinh tế trên toàn thế giới.

Tuy vậy, với chính sách điều hành quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ, các Bộ, ngành và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam vẫn kết thúc năm 2018 với kết quả ấn tượng khi các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đặt ra, tăng trưởng GDP ở mức 7,08% cao nhất trong vòng 10 năm qua, lạm phát giữ ở mức 3,54%. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên 1,4 triệu tỷ đồng, vượt 7% so dự toán.

Đối với lĩnh vực hoạt động kinh doanh xăng dầu, mặt hàng được đánh giá là có tác động lớn đến nền kinh tế và chỉ số CPI, mặc dù năm 2018 diễn biến giá dầu có nhiều yếu tố dị biệt, tăng mạnh giảm sâu bất thường nhưng công tác điều hành giá của các cơ quan quản lý Nhà nước đã được thực hiện linh hoạt, có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, mang lại hiệu quả rõ nét.

Cụ thể, trong năm qua, đã có 21 lần giá xăng dầu được điều chỉnh; trong đó, phần lớn ổn định giá, không tăng giảm quá nhiều. Để điều hành giá phù hợp với diễn biến thị trường và bám sát theo NĐ 83 về kinh doanh xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định thực hiện hàng loạt các giải pháp như ngừng trích quỹ bình ổn, dùng quỹ bình ổn bù đắp cho phần tăng giá xăng dầu… để tránh không tăng sốc gây tác động quá lớn đến nền kinh tế.

Trong bối cảnh có quá nhiều các yếu tố không thuận lợi, năm 2018 cũng ghi nhận sự thành công trong công tác điều hành của Tập đoàn với việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2018 được Đại hội đồng cổ đông giao phó. Tổng doanh thu ước đạt 190.000 tỷ đồng. Tổng sản lượng xuất bán đạt 12,8 triệu m3 tấn, tăng 4% so với năm 2017, vượt 3% so với kế hoạch Tập đoàn đặt ra. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 5.030 tỷ, tăng 5% so với năm 2017; tổng nộp Ngân sách Nhà nước gần 39.000 tỷ đồng.

Kết quả này đạt được là nhờ sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của toàn bộ Ban lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của Petrolimex trong suốt năm qua với việc phối hợp tổ chức kinh doanh tốt, bám sát diễn biến thị trường và chính sách vĩ mô của Nhà nước, có những kiến nghị, giải pháp xử lý kịp thời.

Năm 2018 cũng là năm thứ tư liên tiếp Tập đoàn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng khối lượng xăng dầu xuất bán nội địa được duy trì đúng theo định hướng Ban lãnh đạo. Đối với các cổ đông, trên cơ sở lợi nhuận đạt được năm 2018, Tập đoàn cũng dự kiến duy trì mức trả cổ tức cao (từ 25-30%). Như vậy có thể nói, trong suốt 4 năm qua, tổng tỷ lệ cổ tức chi trả đã lên tới hơn 100% (bình quân cao hơn 25%/năm). Với hiệu quả lợi nhuận mang lại cho các cổ đông như vậy, nên Petrolimex cũng được đánh giá là một trong những Công ty niêm yết trên sàn chứng khoán kinh doanh đạt mức lợi nhuận tốt và có mức trả cổ tức tiền mặt cao, ổn định qua các năm; 02 năm liên tiếp 2016, 2017 được Tạp chí Forbes vinh danh quán quân doanh thu và nằm trong top 50 Doanh nghiệp niêm yết tốt nhất sàn chứng khoán Việt Nam, lọt vào danh sách “40 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam” cũng chính là những ghi nhận từ các cơ quan quản lý, tổ chức xếp hạng và cộng đồng nhà đầu tư vinh danh thành quả mà tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ Petrolimex đã phấn đấu trong những năm qua.

Kính thưa toàn thể hội nghị,

Bên cạnh việc duy trì hoạt động kinh doanh tốt, để đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế, cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt sau khi có cổ đông chiến lược nước ngoài là JXTG góp vốn và tham gia vào HĐQT Tập đoàn, Petrolimex đã ngày càng cải thiện và nâng cao việc quản trị doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế; minh bạch hóa, công khai hóa trong quản trị và công bố thông tin.

Trong năm 2018, Tập đoàn cũng đã kiện toàn lại bộ máy tổ chức Công ty mẹ để phù hợp với tình hình thị trường, điều kiện kinh doanh mới khi cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn với việc sáp nhập tinh gọn lại một số phòng ban, hình thành mới Ban Quản trị rủi ro và Phòng kinh doanh bán lẻ.

Đối với tình hình tái cấu trúc Tập đoàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 828/QĐ-TTg và văn bản số 11490/BCT-TCCB của Bộ Công Thương, trong năm qua, Tập đoàn cũng hoàn tất việc tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống để thu gọn mô hình tổ chức phân hệ thành 6 Tổng công ty hoạt động hiệu quả theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, Công ty cổ phần, đó là:

- Công ty TNHH - Tổng công ty vận tải thủy Petrolimex (PG Tanker - năm 2013);

- Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Pjico (Pjico - năm 2013);

- Công ty cổ phần - Tổng công ty Gas Petrolimex (PGC - năm 2013);

- Công ty cổ phần - Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC - năm 2013);

- Công ty TNHH - Tổng công ty Dịch vụ Petrolimex (PTC- năm 2017);

- Công ty cổ phần – Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (PGCC- 2018)

Các Tổng công ty sau khi được tái cơ cấu đều đã hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn, đạt lợi nhuận và mức tăng trưởng tốt hơn so với giai đoạn trước đó. Và cũng thông qua việc hình thành Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex, Tập đoàn cũng đã tiến hành thoái vốn thành công đối với các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành, không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, thực hiện đúng theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Petrolimex từ 75,87% xuống 51,01%, thực hiện Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhóm đại diện vốn Nhà nước tại Tập đoàn cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để đại diện chủ sở hữu trình Thủ tướng xem xét giãn tiến độ thoái vốn sang giai đoạn 2019-2020 do tình hình thị trường năm 2018 không thuận lợi và cũng tạo điều kiện để Tập đoàn xây dựng phương án thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước có tính thực tiễn, nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước.

Đọc thêm

Chia sẻ: